Monday, April 16, 2012

TRƯỜNG SƠN CỦA TÔI ! CHIẾN TRƯỜNG CỦA TÔI !

TRƯỜNG SƠN CỦA TÔI ! CHIẾN TRƯỜNG CỦA TÔI !

Đó là tư tưởng chủ đạo trong tập thơ hồi ký chiến tranh với tựa đề "Đánh mất chiến trường" của Kiều Anh Hương đang được giới thiệu trên blog.yahoo. Mời các bạn quan tâm hãy ghé đọc:
http://blog.yahoo.com/KAHKDK

Xin chân thành cảm ơn !

Sunday, December 14, 2008

15.12.2008-Tập thơ:"Gặp lại tuổi 20", NXB HNV, 2001-Bài 48.NHỠ HẸN

48. NHỠ HẸN



Anh đến
Bất ngờ
Không gặp !

Cái buồn
Dọc theo
Đường về.

Bấm ngón tay,
Tính ngày tháng
Chợt hiểu rằng :
- Mười ngón còn...
So le !


Hà nội 10-1979
KAH

Thursday, June 7, 2007

HẠNH


HẠNH


Truyện ngắn

Thường chị tôi vẫn hay mắng yêu:
- Này, cậu ơi, ba mươi tuổi mà không lấy vợ là dễ bị ”hâm…” lắm đó. Thôi thì cưới đại cô nào đi mà chẳng được để tụi con nít còn ăn kẹo! Kén vừa vừa thôi…

Trời đất, quả thật, nào tôi có kén chọn gì đâu! Những lúc như vậy, cái đầu của tôi như bị hấp điện; Tai tôi ù lên, còn tụi trẻ con thì được dịp adua, nhất nhất đòi quà. Tức thật, nhưng có lũ trẻ lại hóa hay, tôi có cớ để “chuột rút”…và dĩ nhiên, không quên kéo theo chúng nó.

Đêm về, nằm một mình và chợt nghĩ vẩn vơ; Chẳng nhẽ mình đã hâm thật rồi sao? Có một nỗi buồn cứ mênh mang ngập tràn hồn tôi! Đêm nay trăng thật sáng. Mà lạ thật, mang tiếng là Thị Xã - Trung tâm văn hóa của cả một tỉnh mà đến giờ này đường phố khu phố nơi tôi ở vẫn chưa có điện, đêm nào cũng tối thui; Nhưng thế lại hóa hay, ánh trăng thay điện, thanh bình quá…Ngoài phố, tiếng í á, i ới của nam thanh, nữ tú đang gọi nhau; Đêm nay, ở nhà hát lớn có chiếu phim (thực ra chỉ là một cái sân khấu ngoài trời được xây giữa lòng Thị Xã vào đầu những năm 1960); Tiếng xích xe đạp khô dầu cót két, cọt kẹt; Tiếng trai gái ghẹo nhau chanh chua…Từng đôi, từng đôi đang đèo nhau bằng xe đạp và lao đi vun vút trong trăng như đi trong cổ tích…Lòng tôi đã buồn, càng buồn thêm.
Hình như cuộc đời là phải vậy: cưới vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái…Mấy ai cưỡng lại được qui luật! Tôi đâu có phải là người ngoài hành tinh mà “dám” thờ ơ với cái qui luật muôn đời ấy. Bạn bè vẫn quanh tôi, công việc vẫn quanh tôi…, hết thảy tôi đều yêu kính. Thi thoảng trong số đó đã có lần tôi bắt gặp một ánh mắt khác thường khiến lòng mình bối rối…Nhưng thiệt tình mà nói, trái tim tôi đang thuộc về một con người; Chính xác hơn là thuộc về một kỷ niệm! Kỷ niệm đó đã theo tôi suốt một chặng đường dài trong những năm đánh Mỹ…
***
Quê tôi có doi cát trắng mênh mông. Những năm đánh Mỹ, đây là vùng tuyến lửa hết sức ác liệt. Tôi lớn lên và đi học trong những chiến hào. Lớp học ngày ấy cũng phải nằm chìm sâu hơn so với mặt đất (chúng tôi gọi là Lán, làm toàn bộ bằng tranh, tre, nứa, lá…). Lán học thường ẩn dưới những lũy tre xơ xác gió…. Mỗi buổi học, thậm chí từng tiết học thường phải dừng lại vài ba lần là chuyện bình thường. Bom đã rơi cả vào lớp học trẻ thơ và đã từng hất bay Lán 10A…
Khó khăn là vây, nhưng sự nghiệp giáo dục thì không thể dừng lại; Bằng mọi cách, thầy và trò chúng tôi vẫn phải tồn tại. Năm 1968, lớp học của chúng tôi thậm chí phải hạ sâu xuống như những hầm địa đạo mới có thể tiếp tục học tập được. Nhưng từ trong chiều sâu của lòng đất quê hương, chúng tôi đã bắt đầu làm quen với những bài toán không gian rộng lớn. Nghĩ lại cũng thật kỳ lạ, chính trong những năm tháng đó, tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi lại cảm nhận được một cách thật rõ ràng nhất về tình yêu Tổ Quốc, Quê hương thông qua việc học tập hàng ngày…
-Ngày mai, các em ạ, chúng ta phải tin như vậy, tương lai sẽ thực sự thuộc về các em; Muốn thế, các em phải biết bắt đầu từ những công việc bình hôm nay; Đó là phải học toán-học thật giỏi môn toán!... – Cánh tay gầy guộc của thầy giáo Thành Dương dạy toán chúng tôi thường vẫn giơ lên, xòe ra rồi nắm chặt lại; Vầng trán thầy nhăn nhíu…

Mà quả thật, làm sao có thể khác được, khi mỗi trái bom Mỹ đang rơi trên đầu chúng tôi đều là cả kết quả của một sự tính toán “siêu việt”. Những bài toán hủy diệt đã và đang làm điên đầu cả cái Nhà Trắng ở tận nữa bên kia địa cầu. Đối chọi lại chúng, không thể khác, cũng phải bằng trí tuệ thật sự; Trong chiên stranh, con người không thể chỉ sống đơn lẻ với một thứ tình yêu trừu tượng…Đối với chúng tôi những năm tháng ấy là phải học, học thật tốt và điều đó đã trở thành hiển nhiên như một lẽ sống giản dị không thể khác…
Khẩu hiệu của thầy và trò là: “Học tập tốt là thắng Mỹ; Mỗi điểm 5 là một chiến công diệt Mỹ” (thời đó thang điểm học tập cao nhất là 5)… Cả trường đều ngùn ngụt khí thế thi đua học tập tốt. Nhưng, với riêng “cư dân lớp 10D” chúng tôi (chỉ vẻn vẹn có 20 người), học tập phải luôn đạt kết quả cao nhất, bởi vì chúng tôi là một trong số ít ỏi những học sinh giỏi toán của tỉnh (thời đó gọi là học sinh”đặc biệt”). Vì vậy, chúng tôi luôn trở thành niềm hy vọng của Nhà trường, thầy cô và bè bạn…
Sẽ chẳng có điều gì phải nói thêm (và thậm chí hình như tôi đã đi lạc đề thì phải), nếu như mọi “sự đời “ đều suôn sẻ…, sau 5 năm, 10 năm, trong số chúng tôi sẽ có người trở thành kỹ sư, bác sĩ, những công trình sư, bác học…, vâng âu cũng là lẽ tự nhiên; Nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ đã diến ra ngày càng ác liệt hơn; Khi đó, tôi đang học năm chót của bậc phổ thông và nếu bình thường thì học sinh lớp “đặc biệt” của chúng tôi sẽ không đời nào được gọi đi bộ đội, chúng tôi là “của để giành”, là hạt giống cách mạng chuẩn bị cho tương lai nước nha cơ mà… Hình như tình thế đang căng lắm và ta đang chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công lớn ở mặt trận phía năm thì phải; Vậy nên phân nửa lớp tôi, những thằng con trai có sức khỏe tốt đều phải nhập ngũ, trong đó có tôi. Làm sao khác được, khi mà âm vang lời Bác: “Không có gì quí hơn độc lập tự do!” như một chân lý đang sục sôi khắp cả nước. Lớp 10D của chúng tôi buồn thiu, nhất là những đứa phải ở lại; Đó là vào năm 1968; Bước ngặt của cuộc đời tôi cũng bắt đầu tư đó.

Buổi tiễn đưa được tổ chức tại sân trường diễn ra thật trang nghiêm; Dưới bóng tre được vít cong lại để ngụy trang, bịt mắt mấy chiếc máy bay “thần sấm, “con ma”, dù rằng không thể tập trung được toàn thể học sinh của trường (qui định của thời chiến mà!), nhưng buổi tiễn đưa như thế cũng được coi là quá đông…; Trong không khí bịn rịn đó, bỗng có một cô gái nhỏ xinh (vốn đã rất nổi tiếng vì học giỏi của lớp 8D) xuất hiện. Đám tân binh chúng tôi cứ ngẩn tò te, ai cũng cố xích gần lại, quấn quýt trò chuyện. Cơ hội mà, ngày thường đố dám!... Hình ảnh đó không bao giờ phai trong tâm trí tôi, nhất là khi thấy giáo dạy toán Thành Dương đứng lên giới thiệu người sẽ thay mặt các bạn học sinh ở lại sẽ phát biểu chia tay thì cả cái sân nhỏ như ồ lên:
-Hạnh! Hanh! Nói thật hay vào nhé!
-Hát đi! Hát tặng bọn mình trước khi đi nhé; Nghe hát còn hay hơn!...

Hạnh mặc cái áo xanh màu nõn chuối và lọt thỏm giữa sắc xanh màu áo lính càng trở nên nhỏ bé. Hai bím tóc của Hạnh xòe ra; Đôi mắt thật to và đen; Má đỏ dừ… Tôi cố thật chăm chú để lắng nghe nhưng qua thật chẳng thể nghe được điều gì nữa, dẫu khoảng cách chỉ chừng một cái với tay. Tai tôi ù lên. Hạnh hình như cũng đáng rất xúc động và như cố tình lảng tránh cái nhìn khác thường của tôi…
Quái lạ, chỉ ngần ấy thôi ư mà sao nó đã khắc sâu trong tâm trí tôi và theo tôi vào cuộc chiến đấu sau này…?!

***

Hết chiến tranh, xuất ngũ, về quê ôn tập được hơn một tháng, tôi cũng kịp thi đỗ vào đại học. Nhớ lại giây phút khoác ba lô về làng (nhà tôi phải sơ tán về thôn quê mà), tôi thật sự vẫn bàng hoàng không hiểu vì sao mình vần còn vẹn nguyên để trở về với quê hương. Gần bảy năm bom lửa ác liệt ở mặt trận Trị Thiên với bao lần sốt rừng, đói cơm, nhạt muối, bom B52, đạn thẳng, pháo bầy… vậy mà, một đứa học trò non choẹt như tôi cũng vượt qua được, kể cũng kỳ lạ…
Nhưng lạ kỳ hơn, hình như trong mỗi bước quân hành của tôi đều có sự góp sức của Hạnh. Những câu thơ tôi viết ngày nào, hình như cũng hàm chứa cả ý kiến của Hạnh (đã phát biểu trong ngày tiễn đưa chúng tôi ra trận). Thời ấy, đối với tuổi trẻ chúng tôi, triết lý sống thật giản dị:
Không sợ đói nghèo
Chỉ sợ không được đi đánh giặc
Chiến trường hơn mọi bài ca !

Bây giờ nghĩ lại thì thấy nó hào hùng vậy, nhưng những ký ức về chiến tranh và sự tàn khốc của nó, với tôi đâu có dễ nguôi ngoai. Nhiều năm sau đó, tôi vẫn luôn sống trong tâm trạng của một người lính như đi, đứng, ăn ngũ…Đã bao lần tôi giật mình, choàng tỉnh giấc mỗi khi nghe một tiếng động quanh mình và… vội vàng chộp lấy súng…Thì ra không phải, chiến tranh đã đi qua , chẳng còn súng ống đâu mà chộp; Buồn cười quá! Tỉnh giấc, không ngủ lại được nữa; Những kỷ niệm xưa lại ập về; Bao nhiêu khuôn mặt bè bạn; Bao nhiêu dáng hình đồng đội; Bao nhiêu kỷ niêm buồn vui… Nhưng bao giỡ cũng thế, cuối những dòng hồi ức ấy, điểm chốt lại vẫn luôn là một khuôn mặt có đôi mắt to đen láy… thật khó quên; Đó là Hạnh!
Hạnh, của tôi, giờ này bạn đang ở đâu? Lại một câu hỏi lại? Thật buồn cười và cũng thật ngô nghê xấu hổ nữa. Nào biết người ta còn mảy may nhớ tới mình hay không mà cứ thầm hy vọng. Rõ là quá viển vông. Biết vậy nhưng không thể quên được. Kỷ niệm đã ngự trị trong nỗi nhớ lấp lánh; Và cái chất lãng mạn học trò vẫn luôn thôi thúc tôi đi tìm Hạnh…Tôi đã gặp may?

Ba năm sau, trong một hội nghị khoa học của sinh viên với tiêu đề: “Tuổi trẻ sáng tạo”, tôi tình cờ gặp lại Đức-thằng bạn cũ cùng học 10D. Ngày ấy Đức không phải đi bộ đội vì được mệnh danh là “Đức hoi”, nhỏ thó và gầy như ma đói. Còn bây giờ Đức trông lại rất phổng phao và “hoành tráng” quá; Có lẽ “cơm tây” đã làm thay đổi hoàn toàn các tế bào sống của nó… Bây giờ Đức đã là một thầy giáo, vâng chính xác là thầy giáo dạy toán (điều không nằm ngoài dự báo của thầy Thành Dương khi xưa!). Trong hội nghị, Đức trình bày một chuyên đề có tên: “Từ lý thuyết các quá trình Optiman-ứng dụng để giải bài toán tối ưu về lược đồ mạng điện thành phố”. Tôi say sưa nghe Đức thuyết trình; Không hiểu được nhiều, nhưng thật lý thú và điều quan trong hơn là hết sức tự hào về bạn. Đức đã và đang thực hiện được những mơ ước khi xưa của Thầy giáo Thành Dương. Đúng, “không một nghiên cứu nào của con người được gọi là chân thực, nếu nó không thông qua những chứng minh khoa học!”. Chính Leona de Vanhxi-một danh họa thời phục hưng ở Ý đồng thời cũng là một nhà toán học tài ba đã từng nói như vậy. Đó cũng là câu danh ngôn mà thầy Thành Dương thường vẫn rất hay nhắc lại cho chúng tôi nghe như là một điều tâm đắc nhất trong cuộc đời dạy toán của Thầy. May mắn thay, trong lũ chúng tôi đã có người làm được những điều thầy hằng mong ước!
Sau hội nghị, tôi gặp Đức; Hai đứa mừng vui khôn xiết tay cứ nắm mãi trong tay.
-Mọi điều mình làm được chắc chắn bạn cũng sẽ làm được; Nhưng những điều bạn đã làm được thì không còn có cơ hội để làm. Chiến tranh đã kết thúc, mình thực sự xấu hổ với các bạn…
Nghe có vẻ sáo quá, nhưng tôi biết, Đức nói thật với tất cả tình cảm từ trong sâu thắm của trái tim mình…Song, dù Đức có nói gì đi nữa thì điều quan trọng hơn, trong lần gặp gỡ đó tôi đã bắt đầu lần ra “dấu tích” của Hạnh.
-…À, đúng rồi, bạn đang nói về Hạnh phải không? …
Nghe Đức nói, tôi mừng rơn, nhưng bỗng dưng Đức lặng nhìn ra xa…
-Tụi mình đã từng yêu nhau…
Tôi như bị điện giật, mặt nóng bừng, nhưng may sao kịp trấn tĩnh lại. Đức không nhận ra điều đó hay bạn cố tình lờ đi để không làm tôi khó xử (ngày xưa, bọn con trai 10D chúng tôi đưa nào mà chả “tít” Hạnh!). Đức nói tiếp:
-Khi về nước chúng mình đã chia tay nhau…
-Vì sao?
-Chuyện dài lắm, đại thể… nhưng mà thôi, nói ra mình chỉ thêm buồn…

Tôi không tiện hỏi tiếp, chỉ biết rằng bây giờ Hạnh đã là một cô giáo cũng đang dạy toán ở một trường cấp 3 tận ngoại thành Hải Phòng.
Có địa chỉ trong tay, nấn ná mãi, cuối cùng thì tôi cũng đã có được một quyết định dũng cảm: viết thư cho Hạnh. Thật khó viết, nhưng cuối cùng thì một bức thư thăm với những ngôn từ nghe chừng khá hợp lý đã hoàn thành. Chỉ còn chờ đợi sự hồi âm từ phía Hạnh; Một ngày, hai ngày…rồi một tuần. Sự chờ đợi đến nghẹt thở. Đồ dở hơi!
Nhưng rồi cũng có một ngày mà tôi không thể quên và có thể nói là vui nhất trong đời tôi; Đó là ngày tôi nhận được thư Hạnh. Đây rồi, nét chữ con gái dẫu có cứng cỏi bao nhiêu cũng không dấu được sự thân thương, mềm mại, tròn tròn thường gặp. Hạnh thú nhận:”Dù bất ngờ, nhưng em đã nhận ngay ra anh bởi vì cái tên Đắc Diệu vốn đã hiếm gặp lại quá nổi tiếng đối với bọn con gái tụi em từ thời còn đi học mà lại…” Ôi, nghe mà sướng rơn hết cả người. Tôi nhảy cẫng lên, la hét om sòm trong kí túc xá khiến lớp trưởng phải xa xẩm mặt mày cho ngay một bài “đít cua”. Cũng may lớp trưởng cũng hiền và nhất là sau khi biết nội vụ đã kịp chia vui với tôi.
Thư Hạnh cũng viết: “Mấy anh lớp “đặc biệt” cũng kiêu lắm cơ, ngày xưa tụi con gái chúng em thật khó lại gần…” và “Anh Diệu ơi, may quá, sau khi anh đi B, lại đúng vào dịp nghỉ hè, nếu không thì nguy to, lớp học ở lán Bà Tâm bị trúng bom đấy… bà con trong xóm nhiều người bị chết và bị thương lắm… ôi, buồn qua, mà sao em lại kể chuyện này vào lúc này nhỉ…”.

Thế mà, phải đến mấy tháng sau chúng tôi mới gặp được nhau. Những lá thư thăm cứ dầy lên dẫu tôi rất muốn chạy ù xuống Hải Phòng để tìm Hạnh, nhưng quả là không dễ; Thời ấy đi lại khó khăn lắm. Cho dù có “hỏa xa” xuống được Hải Phòng thì xe cọ đâu mà tìm về được tận vùng biển đảo Hải Phòng trong khi tôi là sinh viên, nghỉ một ngày còn được chứ 2 đến 3 ngày thì quả là khó khăn (tôi quen sống có kỷ luật rồi). Hơn nữa, Hạnh cũng đang trong năm học bận rộn lắm…Vì vậy, cuối cùng Hạnh cũng đồng ý với tôi là sẽ gặp nhau ở quê nhà vào dịp tết sắp đến. Còn đâu xa, hơn nửa tháng nữa thôi mà. Càng đến gần ngày tết, người tôi càng nôn nao khó hiểu. Linh tính như đang mách bảo tôi có chuyện không ổn…
***
Mưa xuân lất phất bay. Phố nhỏ về chiều như náo nhiệt thêm. Thị xã nhỏ “toòng teng” thôi mà vẫn chưa hết người đi sắm tết. Tôi hồi hộp về giây phút sẽ gặp Hạnh. Biết nói gì đây, kỷ niểm chủ yếu vẫn chỉ là của riêng mình. Hạnh có khác xưa nhiều không. Bạn sẽ tiếp nhận tôi như thế nào? Còn Đức nữa, hình như họ đã lại làm lành được với nhau…Ý nghĩ của tôi cứ lăn tròn, lăn tròn theo cái bánh xe đạp tập tàng và cuối cùng thì ngôi nhà của Hạnh cũng đã ở trước mặt. Một mái nhà gỗ lợp tranh đơn sơ. Khung cửa sơn màu xanh nhạt. Cái sân nho nhỏ trước nhà có cây đào phai đã nở đầy hoa, cạnh đó hoa Tường Vi đỏ chói. Thật đẹp. Cảnh cổng vẫn kép; Tôi đang tần ngần chưa biết sẽ gọi thế nào thì một giọng con gái reo vui:
-Ôi anh Diệu, mẹ ơi, mẹ đón giúp con…

Rõ là Hạnh rồi, nhưng không thấy người đâu. Một thiếu phụ có mái tóc phai bạc ra mở cổng và mời tôi vô nhà. Mẹ của Hạnh? Chắc thế. Gương mặt của người mẹ rất thanh tú; Sống mũi cao; Mái tóc bồng kẹp gọn giống con gái thời Tây… Chỉ thế thôi cũng đủ nhận ra ngày xưa bà đẹp như thế nào.
-Cháu ngồi xuống đi – Người mẹ rót đầy cho tôi một “đoọi” nước chè xanh thơm phức. Hình như nước cũng vừa mới được ủ kín trong cái “tícmốt” cổ rất cận thận và Bà ngồi xuống hỏi han trò chuyện…
-Em chào anh Diệu! - Bất thần Hạnh gọi và nhẹ nhàng xuất hiện từ phía sau lưng tôi. Tôi mững rỡ không dấu được. Mẹ của Hạnh xin lỗi và ý tứ nhường chuyện lại cho hai đứa.
Tôi quay lại.
Hạnh! Một cảm giác bất ngờ chạy dọc sống lưng. Tôi sững người. Hạnh đẹp quá, bạn như sự hóa thân của người đàn bà vừa tiếp tôi vài phút trước đây. Hạnh cười rạng rỡ, nhưng tôi lại có cảm giác thật sự ngơ ngác. Đã có sự nhầm lẫn. Tôi chợt hiểu ra. Đây là Hạnh 8A…
***
Tôi bước xuống sân ga Vinh đầy bụi cát. Gió Lào ném vào mặt từng hồi rát bỏng. Những hàng cơm, hàng quà được đậy điệm qua loa bày la liệt giữa lối đi. Bụng đói meo nhưng tôi cũng không thể xà vào. Nhưng cũng đừng lo, chỉ vài phút nữa thôi, khi dòng người từ con “tàu chợ” đổ xuống, nó sẽ như một con thuồng luồng ngốn sạch tất cả.
Nhưng hôm nay, dòng người ấy thực sự như ong vỡ tổ đang cuộn chảy về phía cổng phụ của Nhà Ga; Đơn giản vì phía ấy hôm nay không có người soát vé. Tôi vô tình cũng bị dòng người hỗn tạp ấy cuốn đi. Tiếng la hét, tiếng chửi nhau tục tĩu… Có tiếng kêu thất thanh bị móc túi, tiếng người hò hét đuổi theo…; Gồng gánh bay cả qua đầu, qua mặt…tơi bời khủng khiếp…
Vừa thoát ra khỏi cửa ga và lang thang được mấy bước để tìm xe ngựa về bến xe Vinh tôi bỗng sững lại và không còn tin vào mắt mình nữa. Một nữ quân nhân trong bộ quân phục đã ngả bạc với ba lô túi sách đang cố ngược dòng người đi vào phía sân ga. Trời đất, người tôi như nóng hầm hập. Hạnh. Đây mới đúng thực sự là Hạnh “của tôi” ! Và như cùng lúc, hai đứa thốt lên nhận ra nhau. Tôi kéo Hạnh ra khỏi dòng người ngột ngạt. Phía sân ga, tiếng còi tàu đang rúc lên khản đặc cả vòm trời. Tôi chỉ kịp dúi Hạnh lên con tàu hướng ngược ra phía bắc và một mẩu giấy ghi vội địa chỉ nơi tôi đang làm việc…
-Nhớ viết thư cho mình nhé…
***
Anh Diệu kính mến !
Lẽ ra em đã có thư cho anh như đã hứa, nhưng anh biết không, sức khỏe của em mặc dù đã được bồi đắp rất nhiều, vậy mà sang bên này cái rét dưới bốn độ âm đã giáng ngay cho em một trận ốm thập tử…Các vết thương lại hoành hành. Cũng may, trong bệnh viện của đất nước Lê nin vĩ đại, em lại được tận mắt chứng kiến những gương mặt tận tụy và chia sẻ của các chị ytá, hộ lý; của các giáo sư, bác sĩ…
Mà thôi, thư sau có điều kiện em sẽ kể tiếp cho anh nghe về họ, còn bây giờ em phải giành thời gian để được tâm sự với anh nhiều hơn, mong sao sẽ bù đắp lại buổi hội ngộ bất ngờ và quá vội vã ngày nào ở Vinh…
Như anh biết đó, một năm sau ngày các anh đi B, em cũng nhập ngũ giữa kỳ học lớp 9 còn đang dang dở. Anh đừng ngạc nhiên nhé vì đã có quá nhiều bè bạn phê phán về cái quyết định động trời này của em. Chính em, cho đến tận bây giờ cũng không thể lý giải được vì sao em lại có một quyết định khó khăn mà dễ dàng đến như vậy. Chỉ biết rằng, từ sau lần các anh ra đi, tin tức từ chiến trường về như dồn dập hơn, ác liệt hơn…Và riêng em luôn có một cảm giác lo âu…Nhất là sau bận Lán Bà Tâm bị trúng bom, em cứ nghĩ, chắc gì ngồi học đã là an toàn. Bỗng nhiên, những điều các anh nói hôm chia tay cứ vang vọng trong tâm trí em, đại loại:
-Tụi mình là con trai, đất nước cần tụi mình phải ra đi.
-Các bạn gái, phải học tốt thay tụi mình....
-Nhưng hỏi thật nhé, nếu Tổ quốc cần các bạn có sắn sàng không?...

Và thế là…em nhập ngũ. Con gái, nên em được bổ sung cho một đơn vị công binh trên đường 20B, ngay phía cửa ngõ của mặt trận. Em được đào tạo cấp tốc trong một tháng để trở thành y tá và biên chế về trạm quân y. Những năm tháng đó, ngày nào em cũng phải đưa đón hàng trăm, hàng nghìn thương binh từ mặt trận ra. Ác liệt lắm. Nhiều khi em cứ ao ước được gặp lại các anh ở trường ta, nhất là các anh ở lớp D, nhưng rồi lại rùng mình, nghĩ dại, ai lại mong thế!
Trong trùng điệp những đoàn quân, trùng điệp những gương mặt vào ra ở cửa ngõ mặt trận này, kỷ niệm về mái trường, về bạn bè, về các anh như càng dần xa, tít tắp hơn, như những ngôi sao hôm thăm thẳm ấy…
Nhưng cuối cùng. điều không mong đợi cũng đã đến với em. Cuối chiến dịch Đường chín-Nam Lào, em bị thương rất nặng. Bom bi đã găm vào hầu như khắp cơ thể em. Lúc tỉnh lại em sợ quá và đã khóc thét lên khi thấy đầy mình bông băng trắng xóa.
Cùng năm đó, em được chuyển về hậu phương và được ở cách nhà mình không xa; Vậy mà em không dám báo tin cho gia đình biết. Tận lúc sức khỏe đã khá bình phục, em mới dám nhắn tin cho mẹ. Biết bao nước mắt của mẹ đã chảy đầm lên vai em. Em cảm thấy có tội rất to với mẹ vì em là đứa con bướng bỉnh đã không chịu nghe lời mẹ cha…
Mẹ sẽ không thể nào chịu đựng được nỗi đau này, nếu không trực tiếp chứng kiến nhiều thương binh là con gái như em. Họ còn mất cả chân, tay, bị lửa napan làm dị dạng…Con gái của mẹ như thế là vẫn còn may mắn lắm rồi phải không anh?!
Sau đợt an dưỡng, em được gửi lên Lạng Sơn để học tiếp văn hóa. Ở vùng cao hẻo lánh này em lại vô cùng buồn nhớ gia đình và bè bạn; Nhiều khi ý nghĩ rồ dại, thôi học mà làm gì, về với mẹ cho bõ nhớ. Nhưng thú thực, mỗi khi nhớ tới các anh, nhất là cái buổi tiễn đưa đi B ấy; Nhớ trách nhiệm các anh nhắn gửi phải học tập cho tốt mà mình chưa thực hiện được, mọi nỗi nhớ lại nguôi ngoai…
Chính các anh đã là những tấm gương giúp em vượt qua tất cả.. Trong học tập, em không thể không nhớ tới các anh khi xưa; Nhớ những lời thầy giáo Thành Dương ngày nào vẫn hằng nhắc đến các anh mỗi khi lên lớp…Anh biết không chính vì vậy mà riêng em được biết về anh nhiều nhất đấy. Kể cũng lạ, bao nhiêu năm rồi mà lời thầy vẫn như còn vang vọng bên tai, trong những bài giảng, trong những những câu chuyện về danh nhân… và như anh biết đấy em đã cố gắng để thi đậu vào đại học, dù chậm hơn bạn bè, nhưng không có nghĩa là thua kém phải không anh?!…
Còn bây giờ, anh hãy tin ở em. Là con gái, làm sao bọn em có thể quên được cuộc đời và tấm gương của Kovalepxkaia, của Xophia Alếchxăng đnốpna…(*). Tự nhiên, em cảm thấy xấu hổ với chính mình nhiều quá. Chúng em sẽ còn phải cố gắng nhiều, nhiều lắm…
Nhưng trước hết em sẽ phải chống chọi khốc liệt cả với sức khỏe và nỗi nhớ thương sâu vợi từ phía quê nhà…!

Hà Nội 10/1983-
TP.Hồ Chí Minh 5/1984

KIỀU ANH HƯƠNG


(*)Kovalepxkaia (1850-1891) và Xophia Alếchxăng đnốpna (1891) đều là nữ giáo sư, nhà toán học Nga trứ danh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.